Tấm lòng người lính Cụ Hồ
Chu đáo chuẩn bị nhang đèn khi có khách đến viếng, giảng giải tận tường mỗi khi có ai muốn tìm hiểu thông tin về di tích. Ông Sáu Tâm thuộc nằm lòng từng chi tiết, từng sự kiện từ những ngày đầu tiên thanh niên, người dân trong tỉnh góp công, góp của cùng nhau dựng lên Phủ thờ cho đến ngày Phủ thờ được đầu tư xây dựng khang trang như hôm nay.
[You must be registered and logged in to see this image.]
Ảnh: HOÀNG DIỆU
Quê Cần Thơ, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên ông Sáu Tâm sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 1957 đến 1959 ông tham gia hoạt động bí mật tại địa bàn huyện Châu Thành A. Đến khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm thực hiện ráo riết Luật 10/59, bị lộ nên cả gia đình ông phải chạy xuống vùng Ngọc Hiển, Cà Mau lánh nạn và tiếp tục hoạt động. Năm 1960, ông chính thức gia nhập bộ đội khi 22 tuổi. Đến năm 1975 được giải ngũ, ông về Trí Phải (hiện thuộc xã Trí Lực), huyện Thới Bình lập gia đình tạo dựng cuộc sống đến ngày nay.
Cuộc đời ông luôn không ngừng chiến đấu. Sau khi hết giặc, từ giã chiến trường, ông lại cầm cuốc, dao, phảng… “chiến đấu” cùng đồng ruộng để mưu sinh, làm giàu. Trong cuộc chiến này, phẩm chất của người lính Cụ Hồ trong ông lại một lần nữa được phát huy. Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu tiên buông súng, làm người nông dân gắn với ruộng đồng, ông kể: “Làm ruộng khi đó rất cực khổ, tất cả đều phải làm bằng tay chứ đâu có máy móc như bây giờ, hơn nữa, đất đai còn hoang hóa nên năng suất rất kém”.
Thế nhưng, với quyết tâm tạo dựng cơ nghiệp, vừa làm vừa tích cóp, đến nay ông đã sang thêm được gần 60 công đất. Khi Nhà nước đầu tư thủy lợi, có kinh, mương xổ phèn thì làm ruộng bắt đầu có năng suất, từ đó đời sống gia đình ngày một khấm khá hơn. Cho đến nay trong 6 người con của ông có 5 người lập gia đình và đều được chia 15 công đất để làm ăn. Hiện người con thứ 2 là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trí Phải Tây, người con út đang học trung cấp kế toán. Ở tuổi 73, cuộc sống gia đình khá giả, ông hoàn toàn có thể an hưởng tuổi già bên con cháu, thế nhưng ông Sáu Tâm không cho phép mình nghỉ ngơi.
Luôn giữ cho mình sự trong sáng của người lính, chí thú làm ăn và nuôi dạy con cháu thành đạt, ông Sáu Tâm không quên tham gia vào hoạt động xã hội. Năm 1990, khi chi hội cựu chiến binh được thành lập, ông là một trong những hội viên đầu tiên của Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp 6. Từ khi tách xã (1/1/2006), ông được tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực. Với uy tín và lòng nhiệt tình giúp đỡ nhau làm giàu, ông đã xây dựng Chi hội CCB ấp Phủ Thờ nhiều năm liền là điển hình của xã Trí Lực và huyện Thới Bình.
Suốt đời học theo Bác
Làm người coi giữ, chăm sóc phủ thờ với ông không đơn thuần làm một công việc được chọn khi tuổi cao mà trên hết đó là nguyện vọng xuất phát từ lòng kính yêu vô bờ đối với Bác.
Ông nghĩ, đây không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm, một cách thể hiện tình cảm kính yêu và đền đáp một phần công lao to lớn của Bác.
Nghĩ là làm, làm bằng chính tấm lòng, bằng tất cả sự kính yêu ông dành cho Bác Hồ. Mọi chi tiết dù là nhỏ nhất đều được ông chăm bẳm từng li từng tí, từ quét dọn lối đi đến lau chùi bụi bặm trên bàn, ghế, trên bàn thờ. Ông không bao giờ để bụi bán lên tượng Bác,... Ông nói: “Mình phải làm sao tạo ấn tượng về một không gian sạch, đẹp để khi người đi ngang qua phủ là muốn ghé tham quan liền. Đây là cách giữ gìn và phát huy truyền thống đơn giản nhưng rất hiệu quả”.
Mọi công việc được ông thực hiện hết sức trang trọng. Ông phân biệt riêng khăn dùng lau bàn ghế với khăn lau tượng Bác. Những lá cờ phướn bị rách ông lấy lại giặt kỹ, xếp lại cẩn thận để dành lau tượng. Ông nói: “Không phải khăn nào cũng dùng để lau tượng của Bác được, mặc dù đó là chi tiết nhỏ nhưng mình vừa tận dụng lại được những lá cờ phướn không dùng đến vừa là cách thể hiện sự kính trọng với Bác”.
[You must be registered and logged in to see this image.]
“Được làm việc ở đây, tôi tìm hiểu nhiều về Bác, ngưỡng mộ những phẩm chất quý báu ở Người nên cũng học hỏi tích lũy để áp dụng vào cách sống, cách làm việc hằng ngày”. Ông Sáu cho biết, mỗi buổi tối trước khi về ông luôn kiểm tra để tắt tất cả các bóng điện, tránh lãng phí. Hay như việc trước khi bật công tắc máy bơm nước, ông phải kiểm tra mức nước trong cây nước có đủ không để múc thêm nước đổ vào, tránh bị hư, vì như ông nói: “Mùa này nước trong các cây nước thường thiếu, nếu không làm vậy thì hư hỏng suốt, của đâu xài cho đủ!”. Những điều ấy dù nhỏ nhặt nhưng nó được đúc kết từ những bài học, lời dạy quý báu của Bác Hồ mà ông đã học được.
Với khuôn viên Phủ thờ hơn 8.000 m2, chỉ việc quét dọn sân thôi cũng đã mất rất nhiều thời gian. Nhưng ông quyết tâm: “Mọi việc từ quét dọn, chăm sóc cây, vườn hoa… phải xong trước 7 giờ 30, bởi từ thời điểm đó các đoàn sẽ đến tham quan, viếng Phủ thờ. Nếu khi khách đã đến mà mình còn lụi cụi quét sân thì thật không hay”. Mỗi sáng người ta thường thấy ông cùng với cháu nội cặm cụi quét sân, tưới cây. Ông Sáu Tâm chia sẻ, đây là cách để dạy các cháu hiểu hơn về lịch sử, lòng kính yêu Bác và học tập theo tấm gương cao quý của Bác để thành người có ích sau này.
Không chỉ làm việc trông coi, chăm sóc mà ông còn kiêm luôn công việc của người hướng dẫn viên cho khách tham quan, muốn tìm hiểu về Bác, về lịch sử hình thành Phủ thờ. Mỗi tháng có rất nhiều đoàn về viếng Phủ thờ, do đó, ông đã nghiên cứu, tìm hiểu những thông tin cần thiết về Bác, về lịch sử của địa phương để trình bày, giải đáp những điều cần biết cho khách tham quan.
Ông tâm niệm: “Mình phải cho mọi người biết tường tận thông tin về Phủ thờ. Có như vậy chuyến đi của họ mới có ý nghĩa”. Để đáp ứng yêu cầu đó, hiện ông đang nghiên cứu tài liệu về Bác thời còn trẻ và quá trình hoạt động của Bác, những mẩu chuyện về Bác, bên cạnh đó là những thông tin về lịch sử địa phương huyện Thới Bình và xã Trí Lực để cung cấp thêm cho khách viếng Phủ thờ.
Trước khi từ giã ra về, chúng tôi được nghe những tâm sự từ đáy lòng ông: “Tôi sẽ làm công việc này đến khi nào sức khỏe vẫn còn bảo đảm. Tôi cũng khuyến khích con cháu sau này tiếp tục công việc của tôi”./.
- Nguồn : Baocamau.com