Hành động trang bị vũ khí cho ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép ở biển Đông sẽ chỉ khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.
Đó là cảnh báo của phát ngôn viên Bộ Chỉ huy quân sự miền tây Philippines Niel Estrella nhằm phản ứng đề xuất nguy hiểm của một lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, theo báo The Philippine Star ngày 22.7. Trước đó, ông Hạ Kiến Bân, Chủ tịch Tập đoàn quốc doanh ngư nghiệp Bảo Sa tại tỉnh Hải Nam đề xuất chính quyền nên cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho hơn 100.000 ngư dân ở tỉnh này rồi đưa họ đánh bắt ở biển Đông. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời ông Hạ lập luận rằng biện pháp này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường hiện diện ở vùng tranh chấp mà không cần phải điều tàu hải quân. Ý đồ đe dọa và sẵn sàng xung đột còn được thể hiện rõ qua nhận định của ông này rằng lực lượng của các bên tranh chấp, nhất là Việt Nam và Philippines, sẽ do dự khi đối đầu với ngư dân Trung Quốc có vũ khí.
Đội tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép đến đảo đá Vành Khăn - Ảnh: China.org.cn
Ý kiến của ông Hạ được đưa ra giữa lúc 30 tàu cá Trung Quốc từ Hải Nam vẫn đang đánh bắt trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Dưới sự bảo vệ của tàu Ngư chính 310 được cho là có mang theo vũ khí, đội tàu này lần lượt hoạt động ở bãi đá Chữ Thập, bãi đá Su Bi. Khi đến đảo đá Vành Khăn, các tàu này gặp thời tiết xấu nhưng vẫn đang cố quanh quẩn ở đây để chờ đánh bắt, theo Tân Hoa xã.
Học giả Trung Quốc nói đường lưỡi bò là đuối lý
Trong bài viết đăng trên trang mạng của Đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) ngày 20.7, chuyên gia Tiết Lý Thái của Trung Quốc cho rằng nước này khó thuyết phục cộng đồng quốc tế chấp nhận bản đồ đường lưỡi bò. Theo ông, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc trước đây tự vẽ ra đường 11 đoạn (tiền thân của đường 9 đoạn) mà không hề tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng. Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa ra được định nghĩa và tọa độ rõ ràng cho đường 9 đoạn. Ông Tiết cũng chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc thiếu nhất quán về đường lưỡi bò, về “chủ quyền không thể tranh cãi” khi không hề phản đối ngoại giao các động thái thực thi chủ quyền của các bên khác trên biển Đông trong một thời gian dài từ sau năm 1975.
Thêm nữa, theo học giả này, nhiều nước không tham gia tranh chấp nhưng có lợi ích sát sườn trong tự do hàng hải ở biển Đông sẽ không bao giờ chấp nhận khu vực chiến lược này trở thành “ao nhà” của Trung Quốc. “Ngày nay, cư dân mạng Trung Quốc không ngừng hô hào những luận điệu hiếu chiến trong thế giới ảo. Tuy nhiên, rời thế giới ảo thì chúng ta phải trở về với thực tại”, học giả Tiết kết luận.Lucy Nguyễn
Văn Khoa
Thanhnien.com.vn